Sáng nay một đồng nghiệp nhắc mới nhớ: hôm nay là ngày quốc tế phiên dịch. Vô tình lại trùng hợp thời điểm tôi đang đọc cuốn “同時通訳はやめられない”, tạm dịch “Không thể bỏ được nghề phiên dịch cabin”.
Ngẫm lại về mình và nghề dịch.
Cách đây vài năm tôi đã suy nghĩ rất nhiều rằng nên tìm một công việc nào có chuyên môn hơn là làm nghề phiên dịch – nghề mà nhiều người nghĩ chỉ dùng mỗi ngoại ngữ.
Tôi thử sức với tuyển dụng, rồi một chút đào tạo… mặc dù cũng có chút thành quả nhưng tôi nhớ nghề cũ da diết. Tôi thèm cảm giác được làm chủ ngôn ngữ, được tháo gỡ nút thắt hiểu lầm giữa các bên, được bắn cả ngôn ngữ mẹ đẻ lẫn nước ngoài một cách trôi chảy, thuần thục, mượt mà. Và rồi khi cơ hội đến, tôi lại không mảy may trở về con đường cũ.
Càng làm mới càng thấy nghề phiên dịch không chỉ cần giỏi ngoại ngữ mà cần rất nhiều yếu tố, kỹ năng khác. Mà nhất là sự khổ luyện. Dù bạn có năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh mà không khổ luyện hàng ngày thì cũng không thể thành công. Sự khổ luyện ở đây không chỉ là kỹ năng nói, kỹ năng đọc – viết – nghe… mà chính là sự khổ luyện để tích luỹ thêm kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội.
Chúng ta phải hoá thân thành chuyên gia về môi trường hay về y tế hay… trong các hội thảo, phải hoá thân thành kỹ sư công nghệ thông tin trong buổi họp về kỹ thuật, phải hoá thân thành bộ trưởng trong buổi tiếp đoàn doanh nghiệp lớn của nước bạn đến làm việc…
Nếu không học hỏi, đọc nhiều các loại sách báo, tạp chí chuyên ngành về môi trường, y tế thì dịch sao nổi trong khi nếu nghe bằng tiếng mẹ đẻ chúng ta còn chưa hiểu. Nếu không đọc sách, nghe thời sự, không đọc báo chí, tin tức, các trang thông tin chính phủ… thì chúng ta sao biết được cách ứng xử trong cơ quan cấp cao nhà nước ra sao???
Tôi được nghe câu chuyện một người bạn được thuê dịch nửa ngày cho cuộc họp quan trọng của một Tập đoàn công nghệ thông tin lớn với mức thù lao đáng ngưỡng mộ. Và chị ấy đã phải ứng trước một nửa số thù lao để đi học thêm trong 2 tuần về kiến thức tổng quan liên quan đến IT và vấn đề mà chị sẽ dịch sau đó. Điều đó để thấy là một người phiên dịch thực sự hoàn thành được công việc của mình thì họ phải nỗ lực rất nhiều và có trách nhiệm với kết quả công việc của mình.
Cuốn sách tôi đang đọc, tác giả ví chúng ta – những người phiên dịch là sự kết hợp giữa người thợ và vận động viên.
Chúng ta vừa phải rèn giũa kỹ năng mỗi ngày như những người thợ và phải thi đấu như những vận động viên. Mỗi buổi dịch như một trận đấu, đối phương của chúng ta mỗi lần mỗi khác, chúng ta ko có cơ hội làm lại, và ko có cơ hội tập dượt trước. Chúng ta ko thể dự đoán xem mình làm đc đến đâu và ko thể tưởng tượng được những tình huống gì sẽ xảy ra. Thực sự là một công việc rất nhiều rủi ro
Thế nhưng, công việc giúp kết nối mọi người này, được giao tiếp với nhiều người khác nhau, được mở rộng nhân sinh quan là công việc cực kỳ thú vị. Chúng ta sẽ có lúc ngộ ra “Ôi có một thế giới khác. Thế giới đó giải thích cho mình về những điều mình đã nghi ngờ mà chưa có lời giải đáp”, đó chính là niềm vui của nghề phiên dịch.
Cảm giác áp lực khi đứng trên sân khấu dịch hay ngồi trong cabin nhỏ bé ở góc phòng giúp chúng ta chiến thắng bản thân và xây dựng sự tự tin trong các công việc khác. Làm nghề phiên dịch xong tôi làm được thêm nghề MC, tôi mạnh dạn hơn khi phát biểu chỗ đông người, tôi tự tin hơn khi giao tiếp với người khác, tôi được gặp rất nhiều người giỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau và tôi thấy mình trưởng thành hơn, hiểu biết hơn về thế giới xung quanh. Nghề dịch là nghề cho chúng ta biết về nhiều nghề, nhiều kiến thức mà nếu chỉ làm một nghề chuyên môn có thể các bạn sẽ không thể biết đến được.
Và đó là lý do mà ngay cả tôi đây cũng không thể từ bỏ được nghề này mặc cho người ta nói.
Nếu bạn đang làm phiên dịch và yêu quý nghề của mình thì đừng từ bỏ nhé. Hãy cứ tiếp tục khổ luyện và thi đấu như những người thợ và các vận động viên.
Chúc mừng ngày quốc tế phiên dịch
