Lý do bạn không nói được tiếng Nhật

Nhiều người nghĩ càng học tiếng Nhật lên cao thì sẽ nói tốt, giao tiếp tốt.

Thực tế thì mình đã gặp rất nhiều bạn kể cả bạn thời đại học hay những người làm việc cùng sau này, mặc dù có N1, N2 điểm số rất cao nhưng không nói được 1 câu tiếng Nhật gãy gọn, trôi chảy.

Mình để ý và nhận ra điểm chung của những bạn không nói được tiếng Nhật hay bất cứ những người học một ngoại ngữ nào khác khi không nói được đó chính là 3 lý do sau.

1. Luôn luôn sợ

Chúng ta sợ gì?

Sợ mình phát âm sai, sợ mình nói không hay, sợ mình nói sai ngữ pháp. Chúng ta có thể hình dung ra đủ thứ để sợ.

Chúng ta luôn tìm cách để sao cho thật chuẩn chỉnh, thật hoàn thiện rồi mới dám nói.

Nghĩa là câu nào chắc chắn về mặt ngữ pháp rồi mới dám nói.

Từ nào phát âm thật đúng rồi mới dám nói.

Và cuối cùng là phản xạ nói bị chậm đi, bởi vì đến khi cần nói thì mất thời gian để nghĩ xem nói như thế nào là đúng, là hay. Rồi khi nghĩ xong thì đối phương đã chuyển sang chủ đề khác và mình mất cơ hội, thời điểm để nói. Càng không nói thì dần dần càng ngại nói. Giống như việc chúng ta tham gia 1 buổi học, cô hỏi có ai phát biểu hay hỏi gì ko. Nếu chúng ta cứ ngần ngừ ko nói thì dần dần cả buổi sẽ xuôi theo và ko dám nói, ko tương tác dẫn đến một buổi học ko hiệu quả, học thụ động nên sẽ nhanh chán. Nhưng các bạn cứ thử mạnh dạn nói 1 lần, nói ngay đầu giờ xem, rồi các bạn sẽ thấy không khí cởi mở hơn, chúng ta tự tin hơn, tương tác tích cực hơn và buổi học trở nên thú vị, hiệu quả.

Do đó, lời khuyên của mình là cứ dám nói đi đã.

Học ngoại ngữ là phải nói. Có tư tưởng, có quan điểm suy nghĩ là phải nói ra. Những lần đầu nói sai thì lần sau mới nói đúng được. Không nói thì không biết mình sai. Mà sai thì mới nhớ để sửa. Không nói bao giờ thì sẽ giữ mãi cái sai.

Mình tự tin nói tiếng Nhật nên nghĩ gì là mình bật ra nói được luôn và nhiều khi nói nhiều quá tranh mất phần nói của người khác 😃. Nhưng tiếng Anh của mình còn kém nên trước đây mình rất ngại nói, luôn luôn sợ như trên. Mình được một cô giáo dạy rằng “Khi làm một điều gì mới, hãy nghĩ về lý do mình đã thành công một việc gì đó trong quá khứ để bắt đầu và thực hiện theo” nên khi học tiếng Anh, mình quyết định luyện tập như mình đã làm với tiếng Nhật.

Có một lần bên mình có buổi training bởi ông thầy người Ấn Độ. Mình học cùng đồng nghiệp là những người rất giỏi tiếng Anh nhưng mọi người có thể do bận việc khác nên không tương tác với thầy. Mình sợ sẽ nói sai trước mặt đồng nghiệp giỏi thì xấu hổ lắm nhưng lại ko muốn giữ không khí trầm lắng này nên liều mình hỏi han thầy bằng tiếng Anh với những câu tiếng Anh bổi, đậm chất Vietlish nhưng may mắn thay, thầy vẫn hiểu ý và trả lời lại mình một cách vui vẻ. Nhất là những điều mình lo sợ ban đầu ko xảy ra, ngược lại đồng nghiệp còn bảo tiếng Anh của mình rất clear, dễ hiểu, đi thẳng vấn đề =)))

Do đó, mình muốn nhắc lại là muốn giỏi giao tiếp tiếng nước ngoài thì đầu tiên chúng ta phải vượt qua chứng sợ nói.

2. Luyện tập thiếu

Một lý do nữa đó chính là luyện tập thiếu.

Không có cơ hội nói là chúng ta cũng dừng việc tập luyện luôn.

Ví dụ các bạn đang đi học, hôm nào ko có tiết tiếng Nhật là sẽ không luyện hoặc lý do là đợt này không có gặp người Nhật nào nên chẳng có cơ hội luyện tập.

Hay là với các bạn đang đi làm tại công ty Nhật, các bạn có lý do là công ty ít người Nhật quá hoặc công việc ko lv trực tiếp với người Nhật nên tiếng Nhật của tôi kém đi.

Nhưng tất cả là ngụy biện hết cho việc lười luyện tập thôi. Nếu các bạn muốn thì đều có cách làm hết.

Mình có nghe 1 câu chuyện rất truyền cảm hứng học ngoại ngữ đó là có 1 anh chàng được cử lên làm việc tại Sơn La hay Lai Châu gì đó trong một thời gian. Ở trên đó, anh có tiền nhưng cũng ko biết tiêu gì, cũng ko có bạn bè để đi chơi, cuối tuần nào cũng về Hà Nội thì cũng mệt. Vì vậy anh quyết định lên mạng tự học tiếng Nhật và đến giờ thì anh khá nổi tiếng trong cộng đồng người học tiếng Nhật vì khả năng sử dụng ngôn ngữ của anh cực kỳ tốt. Điều đó cho thấy nếu chúng ta muốn thì đều có cách hết, kể cả ko có 1 người Nhật nào xung quanh, công việc ko hề liên quan đến người Nhật mà anh ấy vẫn tiến bộ xuất sắc được.

Nếu các bạn là sinh viên, các bạn lên bờ Hồ sẽ gặp khách du lịch Nhật Bản để bắt chuyện. Các bạn vào các group có người Nhật trên facebook rồi kết bạn trao đổi hoặc các bạn xem phim Nhật để luyện nghe và tập nói theo. Hồi xưa mình học ở trường ĐH KH XH vs NV, mỗi khi có đoàn SV Nhật sang là mình xung phong dẫn các bạn đi thăm quan Hà Nội để luyện giao tiếp với các bạn ấy. Nói chuyện với các bạn ấy mình biết chủ đề các bạn ấy quan tâm là gì, các bạn ấy hay hỏi gì khi tới điểm thăm quan Hoàng Thành Thăng Long hay Phố Cổ…, hoặc nói những câu gì làm các bạn ấy buồn cười rồi đến khi có đoàn khác sang, mình lại áp dụng lại những điều đó. Cứ đoàn sau lại khen mình giỏi tiếng Nhật hoặc nói chuyện thú vị nhưng thực ra toàn bộ là mình bắt chước cách đoàn Nhật trước đã nói thôi chứ bản chất chưa giỏi. Rồi mình cứ áp dụng như vậy khi sau này đi dịch cho các đoàn thị sát của Nhật sang Việt Nam.

Rồi mình lên skype tìm người Nhật để làm quen. Và người bạn Nhật mình hay chatchit hồi đó đến giờ vẫn là bạn mình và vẫn liên hệ với nhau.

Ngày nào không chat, không có cơ hội gặp ai là mình tự luyện một mình. Mình cứ tập những đoạn hội thoại trong sách và nói đi nói lại không biết chán. Mình nói giọng bà già, giọng thanh niên, giọng trẻ con, giọng điệu đà, giọng đanh đá… rồi ghi âm lại nghe hài không chịu được. Nhưng cũng nhờ vậy, khi cần nói mình bật âm rất nhanh.

3. Thiếu đề tài để nói

Lý do cuối cùng mình muốn nói đến chính là nội dung, câu chuyện để nói. Mình nhớ nhất 1 câu nói của cô giáo mình trong giờ dạy biên phiên dịch tiếng Nhật cho lớp mình hồi đó là “Muốn nói được thì phải có cái gì để nói chứ không phải chỉ cần học từ vựng, chữ Hán, ngữ pháp là đủ”. Chỉ tập trung ôn 3 thứ đó thì sao có thể nói được. Dù có bạo nói nhưng gặp người Nhật nói dăm ba câu là hết chuyện.

Ví dụ như hỏi anh sống ở khu vực nào ở Nhật, anh qua Việt Nam lâu chưa, anh thích món ăn gì của Việt Nam là hết. Muốn nói được nhiều bạn phải có kiến thức, có câu chuyện để chia sẻ.

Mà muốn có được những điều đó thì bạn phải đọc nhiều, trải nghiệm nhiều thôi. Để có câu chuyện tương tác được với người Nhật thì thường sau mỗi lần gặp một đoàn Nhật nào đó mình sẽ xem họ hay nói những câu chuyện gì rồi về tìm hiểu để nói. Ví dụ như khách quan tâm đến các địa điểm ăn chơi hoặc các di tích thắng cảnh của Hà Nội thì mình phải tìm hiểu về nó trước để tới đó mình có thông tin để giới thiệu cho họ.

Mỗi câu chuyện lịch sử, văn hóa của Việt Nam đều thu hút người nước ngoài giống như chúng ta sang Nhật, nghe câu chuyện về chú chó Hachiko được đặt tượng ở gần ga Shibuya là mình bị cuốn hút và cảm động.

Hồi trước mình làm trợ lý cho ông sếp người Nhật. Ông ấy hay quan tâm về chủ đề quản lý con người và hay chia sẻ những chủ đề đó với mình. Ban đầu mình chỉ nghe và không biết bình luận gì nên mỗi lần nói chuyện với sếp mình thấy rất chán về bản thân vì chẳng có gì để nói hoặc nghĩ liệu mình cứ “soudesuka” thì sếp có chán ko 😃 Thế nên mình quyết định tìm các sách liên quan đến chủ đề để đọc bằng tiếng Việt và search thêm đọc bằng tiếng Nhật. Và khi có cùng chủ đề để nói thì mình có thể nói hàng giờ với sếp mình mà không còn biết chán nữa.

Trên đây là một số chia sẻ cá nhân của mình. Các bạn còn thấy lý do gì và cách khắc phục nó thì cùng nhau chia sẻ nhé.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top