Mấy ai viết được tiểu thuyết mà mình đặt cái tiêu đề gớm quá nhỉ
Thực ra viết tiểu thuyết cũng giống như bạn kể câu chuyện hấp dẫn cho tụi bạn thân mà thôi.
– Này này, biết chuyện gì không? Hôm nay tao gặp con A. Gặp nó ở Lotte Tây Hồ đấy.
Bạn bạn hỏi:
– “Ừ rồi sao? Có gì hot”
Bạn lại kể:
– “Ừ nó mặc bộ jumsuit đẹp lắm, xong xách túi LV. Uầy chất!”
Bạn bạn lại hỏi tiếp:
– “Kể đi, eo ôi cứ úp úp mở mở, đang sốt ruột đây. Có gì hot?”
Đấy, bạn bạn càng tò mò, bạn càng đẩy câu chuyện ra xa để kích thích cao trào, tung ra cái kết bất ngờ khiến cho con bạn shock, thế là bạn thích chí. Thế là bạn đạt được mục đích kể chuyện, được nói những gì mình muốn nói và đẩy trí tò mò của người khác lên cao điểm.
Viết tiểu thuyết cũng vậy thôi, làm người đọc càng tò mò thì càng khiến họ muốn đọc tiếp và càng bá n được nhiều.
Nhưng khi làm việc.
Nhất với sếp, với khách hàng, với nhà tuyển dụng hoặc với đồng nghiệp thôi mà nói như kể chuyện, nói như viết tiểu thuyết thì hỏng hết thực sự
Bạn không những làm người nghe chẳng hiểu gì mà còn có nguy cơ bị họ đánh giá là thiếu tư duy logic. :((
Giả sử như sếp hỏi:
– Việc A làm đến đâu rồi?
Đáng ra câu trả lời sếp mong muốn là:
“Em đã làm xong rồi, xong …% rồi, còn vướng chỗ ABC, hiện em đã tự giải quyết được hoặc nhờ anh cho lời khuyên…”
hoặc là “Em đang làm được một nửa rồi, đến Thứ Sáu (or lịch cụ thể nào đó) em sẽ xong ạ.”
Nhưng không, bạn trả lời là:
– Hôm qua con em bị sốt, cô giáo gọi về nên em phải xin nghỉ nửa buổi sau đó buổi đêm em có thức để làm nốt, bla bla… và sáng nay em có đến sớm làm tiếp rồi nhưng mà…
Bạn tưởng trình bày lý do, hoàn cảnh là sếp sẽ thông cảm nhưng không phải vậy, có khi sếp đang sốt hết cả ruột chờ bạn nói hết câu và cuối cùng vẫn chưa nhận được câu trả lời sếp muốn khiến sếp muốn nổi điên đấy.
Hoặc là trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng,
Nhà tuyển dụng hỏi:
– Mục tiêu của bạn trong 3 năm tới là gì?
Đáng ra họ mong muốn câu trả lời là:
“Em muốn trở thành phiên dịch cabin chuyên dịch các hội thảo chuyên ngành về IT”
hoặc
“Em muốn trở thành BrSE vừa chuyên sâu về technical vừa có khả năng giao tiếp tiếng Nhật ở trình độ N1 để giúp dự án triển khai hiệu quả chẳng hạn…”
Nhưng không, bạn trả lời là:
– Hiện em đang học khóa tiếng Nhật của cô ABC, rồi cuối tuần em tham gia câu lạc bộ Hanoi Foodtour với những người Nhật yêu ẩm thực VN để luyện nói tiếng Nhật, ngoài ra thì em cũng hay hỏi han các sempai giỏi trong ngành để trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực. Không chỉ thế, ngày nào em cũng nghe podcast cô Thủy để cải thiện mindset và đọc sách của cô nhiều lần để nắm vững các phương pháp rèn luyện tiếng Nhật… bla bla với mục tiêu sau này trở thành một người có kỹ năng làm việc tốt và có vị thế trong công ty mình ạ.
Úi bạn ơi, đừng nói như vậy nhé!
Nói như vậy nhà tuyển dụng chắc ngủ mất đấy, họ không biết giáo viên của bạn là ai mà có khi cũng chẳng quan tâm đâu, đừng kể lể dài dòng.
Hãy trả lời đúng điều họ quan tâm nhé! Nói rõ ràng, mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề luôn. Vòng vo, kể chuyện thì để sau nếu người ta có hỏi nha. Như cả câu bạn nói trên, chỉ cần trả lời câu cuối là được nhưng mà câu đó cũng chung chung quá, hãy chọn 1 mục tiêu cụ thể, rõ ràng hơn để thuyết phục hơn nhé!
Tóm lại là, để nói giỏi tiếng Nhật, để giỏi giao tiếp khi làm việc thì
– Không nói tiếng Nhật như kể drama cho bạn bè hay như viết tiểu thuyết
– Tập trung trả lời đúng câu hỏi, đi thẳng vào vấn đề. Hỏi gì trả lời nấy.
– Nói điều người nghe muốn nghe (như ý trên, đó là trả lời đúng câu hỏi), không nói điều mình muốn nói
– Trả lời trước, giải thích sau. Hoặc tùy trường hợp, chỉ giải thích thêm khi được hỏi.
Điều này đúng trong giao tiếp ở mọi nơi, kể cả khi nói tiếng Việt hay tiếng Nhật nên bạn hãy cứ áp dụng nhé! Không nói tiếng Nhật như viết tiểu thuyết! Nhớ nha.
Mà biết đâu bạn ko thể trở thành phiên dịch giỏi nhưng có thể trở thành tiểu thuyết gia lừng lẫy sau này thì thôi, đừng bận tâm tới bài viết này
Chúc các bạn kể chuyện thật kịch tính và nói tiếng Nhật thật rành mạch!