Một chủ đề tưởng ko liên quan mà lại rất liên quan vì mình hay gặp nhiều bạn đi dịch mà giống đi chơi, đi ăn cưới lắm. Vì vậy hôm nay mình xin chia sẻ về đồ nghề đi dịch của mình.
Ngoài trang phục mặc trên người, mình sẽ mang theo 1 túi xách màu đen đựng vừa cỡ A4 để đựng những đồ sau:
1. Kẹp file gồm bản in tài liệu khách hàng gửi tới. Nếu khách hàng không có gửi trước tài liệu gì thì ít nhất là mình sẽ mang theo những tờ giấy mình đã note các thông tin, từ vựng liên quan đã chuẩn bị trước.
2. Sổ tay, bút để thực hiện việc ghi chép trong quá trình dịch.
3. Son, kẻ mắt (2 đồ thần thánh của mình). Mình make sẵn ở nhà rồi nhưng nếu dịch cả ngày có thể son trôi hay kẻ mắt trôi là phải tô lại ngay cho tươi tỉnh nha.
4. Điện thoại. Đương nhiên rồi, đi đâu đi nữa thì sao chúng ta có thể thiếu được.
5. Ví. Ví cũng vậy ạ, luôn luôn mang theo người chứ.
6. Nếu đi dịch giao lưu, đi chơi thì mình thường cầm theo cuốn Sketch – sách hướng dẫn du lịch VN dành cho người Nhật có bản đồ Hà Nội, thông tin quán ăn, địa điểm thăm quan và các dịch vụ khách Nhật quan tâm. Dẫn khách đi trên phố cổ mình cũng hay bị lạc lắm nên có bản đồ trong này thật sự rất tiện luôn ạ.
7. Danh thiếp. Là danh thiếp đi dịch dạo nha các bạn. Nếu các bạn chưa có danh thiếp thì thôi cũng ko sao đâu, còn nếu các bạn đi dịch rất thường xuyên thì nên thiết kế và in danh thiếp cho riêng mình nhé.
Danh thiếp này được dùng khi khách hàng quan tâm, hỏi han hoặc có trao đổi danh thiếp với mình thì mình trao lại cho họ.
Tại sao vậy ạ, vì nhiều khách hàng coi phiên dịch đúng vai trò làm thuê nên họ cũng chẳng quan tâm đến mình lắm hoặc có khách hàng thuê qua công ty cung cấp phiên dịch nào đó nên họ chỉ làm việc với công ty thôi. Những trường hợp như vậy mình sẽ cố gắng dịch tốt nhất có thể để họ đánh giá tốt với công ty đã giới thiệu thôi, nếu thực sự thân thiết rồi thì mới trao chứ ko cố gắng trao ngay từ đầu. Nói chung là không chèo kéo khách ạ, nhất là trường hợp được giới thiệu qua công ty thì tốt nhất là không nên trao danh thiếp nếu như mình còn muốn là cộng tác viên lâu dài cho công ty đã giới thiệu.
Còn với các trường hợp do người quen – không phải đồng nghiệp giới thiệu thì mình có thể trao danh thiếp để sau có cần thì khách còn gọi hoặc khi mình viết mail chào hỏi họ còn biết mình là ai. Người Nhật có thói quen là sau mỗi ngày hoặc mỗi lần gặp được những người mới là họ sẽ tổng hợp danh thiếp vào 1 cuốn sổ danh thiếp hoặc như sếp mình ngày xưa chụp hết vào điện thoại rồi để thành 1 album riêng. Khi cần nhớ đến là tìm được luôn nên chắc chắn có ý nghĩa rồi.
8. Cuối cùng, một thứ đồ không thể thiếu trong túi đồ đó chính là Socola, kẹo lạc. Đi dịch dễ tụt huyết áp lắm. Có một hộp socola hay kẹo lạc trong người thì đúng là cứu cánh cho chúng ta. Thỉnh thoảng mình còn để cả hộp sữa tươi vào nữa để phòng cho những lúc không kịp ăn sáng, ăn trưa. Người Nhật thì rất giỏi nhịn bữa trưa luôn chắc các bạn cũng biết.
Nhớ phải chuẩn bị đồ ăn cho mình nhé. Đặc biệt là socola – loại đồ ăn giúp kéo huyết áp rất tốt và kích thích sự tập trung cho não bộ. Mình có xem tập phóng sự về các phiên dịch Anh – Nhật nổi tiếng của Nhật trong đó có idol Hashimoto Miho khi phiên dịch cabin, là cứ sau mỗi 15 phút dịch xong, chị lại làm 1 viên socola đó. 1 buổi dịch 2 tiếng là cần khoảng 8 viên, tương đương gần 1 hộp socola Meiji…Mình cũng thích socola hơn kẹo lạc.
Ôi nói đến đây thèm socola quá. Mình đi ăn nama đây! Túi đồ các bạn có những gì? chia sẻ với mình nhé
PS: hình dưới minh hoạ ko lquan lắm đâu nhé.
