“Ai trong chúng ta cũng có chuyện đời để kể, nhất là những chuyện trải qua khó khăn, thử thách, gian khó, để cuối cùng làm được một điều gì đó có ích cho đời. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần bỏ ra 20 phút viết lại những câu chuyện xảy ra với bạn hàng ngày liên tục trong 4 ngày, sức mạnh của những câu chuyện này sẽ làm bạn thay đổi tích cực hơn.
Viết cũng giúp bạn vượt qua được những nỗi lo âu, sợ hãi, buồn chán, hay đau khổ. Hãy viết và kể những câu chuyện của mình, câu chuyện có hậu, câu chuyện truyền cảm hứng cho những người xung quanh, rồi bạn sẽ thấy mình chính là Spiderman, nhân vật anh hùng cứu cả thế giới trong chính cuộc đời mình.”
Đó chính là kể chuyện – story telling!
Bản thân mình còn thấy viết là một cách giúp mình rèn luyện, nhớ lâu hơn một điều gì đó thú vị mà mình mới phát hiện ra hay là một kiến thức hay trong công việc, cuộc sống. Không chỉ vậy, viết giúp mình rèn luyện khả năng trình bày trôi chảy, mạch lạc một vấn đề nào đó và giúp tăng khả năng tư duy.
Nhiều lúc đọc xong một quyển sách hay mà không biết chia sẻ cùng ai, không biết có ai quan tâm đến chủ đề này không nhưng cũng không dám viết ra vì sợ bị cười chê rằng giờ này còn đọc cái này à hay giờ mới biết đến cái này à…:((
Nhưng mình đã chọn viết, chọn chia sẻ cảm xúc.
Đó chính là lý do mình hay viết, hay chia sẻ trên facebook như thế này.
Sáng nay, nói chuyện với một con bạn lúc nào cũng muốn làm việc, lúc nào cũng muốn cống hiến được nhiều hơn nữa về chủ đề “Cuộc đời mình muốn sống”. Nghe hơi lãng mạn, sến súa nhưng những lúc như thế này mình thêm được rất nhiều động lực. Và hôm nay thấy mình làm việc rất hiệu quả, kết quả của nó cũng khiến mình rất hài lòng
Nếu như cách đây vài năm thì ham muốn làm giàu, ham muốn có nhiều tiền lớn lao bao nhiêu thì bây giờ ham muốn được có giá trị, được thử thách và đón nhận thành quả đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Cả hai đứa cùng công nhận là cảm giác đạt được thành quả sau nhiều ngày nỗ lực, khó khăn, vất vả sung sướng hơn nhiều lần cảm giác có được 1 khoản tiền lớn.
Đúng như quy luật theo tháp nhu cầu Maslow đã chỉ ra, mỗi thời điểm con người sẽ có một loại nhu cầu khác nhau. Sau khi đạt được các nhu cầu về thể lý, an toàn (tiền bạc)…thì là nhu cầu được tự thể hiện bản thân. Đây là nhu cầu lớn và cao nhất của con người.
Cũng giống như các bạn dev, nếu bạn được trả lương 100M/ tháng có thể bạn sẽ vui sướng 1 tháng – 2 tháng rồi sau đó niềm vui ấy sớm hết. Còn nếu bạn phát triển cho một ứng dụng có tới vài trăm triệu người dùng, chức năng của bạn phát triển nhiều tiện ích đến mức khiến người dùng cảm động thì bạn sẽ thấy cuộc sống của mình vô cùng ý nghĩa, bạn muốn cống hiến nhiều hơn nữa và cứ thế, bạn không ngừng phát triển. Bạn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình.
Hay những người phiên dịch như chúng ta, được trả công nhiều triệu/ một ngày chắc cũng chỉ vui sướng được vài ngày nhưng nếu là vì nhờ có chúng ta dịch mà buổi đàm phán thành công, hội thảo tốt đẹp, ai nấy đều hứng khởi, sếp hay khách hàng khen ngợi thì niềm vui này sẽ là động lực vô tận giúp chúng ta tích cực cống hiến.
Tình cờ mình cũng có dịp được nghe một anh kỹ sư giỏi người Việt làm việc tại GAFA chia sẻ suy nghĩ của anh về việc làm thế nào để có công việc tốt ở các công ty lớn. Nhiều người nghĩ rằng những người có công việc tốt đó là do họ có mối quan hệ tốt nên vào công ty thì tìm cách xây dựng mối quan hệ hoặc bên ngoài xã hội thì tích cực đi đến các hội thảo, các buổi offline… để xây dựng network.
Nhưng những điều đó chỉ có giá trị khi bản thân mình phải xây dựng được giá trị cho mình trước đã – giá trị để mình có cái chia sẻ cho người khác, để chia sẻ cho xung quanh hay là có cái để người khác có thể lợi dụng mình đã. Còn nếu không có gì cả thì việc tạo network đó rồi cũng không sử dụng được hoặc rồi nó cũng mất đi bởi vì bạn không có cái gì để cho đi thì ai muốn connect với bạn đâu.
Hay trong chính nghề phiên dịch, bạn nói bạn ko có mối quan hệ, ko biết tìm việc ở đâu vì chẳng quen ai nhưng điều trước tiên bạn phải chuẩn bị đó là giá trị của mình.
Giá trị ở đây trước hết không phải là năng lực, kỹ năng mà đó phải là nền tảng văn hóa, ý thức tư tưởng.
Có nghĩa là trước hết phải là một người chính trực, tử tế đã. Một người biết minh định phải trái, trắng đen, tốt xấu, thiện ác…để mà hành động theo, sống theo, cư xử theo đã.
Sau đó mới là rèn luyện về năng lực, kỹ năng. Đã theo ngành gì thì phải quyết tâm là chuyên gia của ngành đó, và quan trọng nhất là phải kiên trì, nỗ lực không ngừng, đặc biệt là “không bao giờ từ bỏ”. Theo ngành nghề đó thì phải tìm hiểu thật sâu về ngành, thường xuyên cập nhật, trau dồi kiến thức và hăng say làm việc, giao lưu với người giỏi trong ngành để chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau.
Khi có một nền tảng văn hóa tốt, có năng lực – kỹ năng chuyên môn tốt thì lúc đó mọi thứ đến tự nhiên và như một cục nam châm hút các năng lượng tích cực, hút những người giống mình đến với mình.
Vì vậy sống trong một môi trường mà chỉ tìm cách tạo mối quan hệ, không phát triển bản thân bằng một nền tảng văn hóa tốt và năng lực chuyên môn tốt thì mối quan hệ đó rồi cũng tan vỡ, không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mà chỉ thấy xung quanh toàn tiêu cực.
Do đó bài học ngày hôm nay mình trải qua đó là sống “cuộc đời mình thực sự muốn sống” bằng một cái tâm sáng, bằng sự chính trực – tử tế, bằng năng lực của bản thân và không ngừng học hỏi, theo đuổi mục tiêu cuộc đời.
Cảm ơn những ai đã đọc hết